Xã Tân Minh phát triển kinh tế rừng bền vững

Xã Tân Minh (Đà Bắc) có hơn 6.500 ha đất rừng, gồm hơn 2.000 ha rừng phòng hộ và hơn 4.500 ha rừng sản xuất. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc trồng rừng, những năm qua, người dân xã Tân Minh tích cực trồng và giữ rừng. Nhờ đó, những mảnh đất cằn cỗi, bạc màu dần được phủ màu xanh bởi những cánh rừng bồ đề, trẩu, soan, qua đó góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

 

Hộ dân xã Tân Minh (Đà Bắc) phát triển mô hình trồng rừng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Đồng chí Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết: Năm 2024, xã hoàn thành kế hoạch trồng mới 176 ha rừng sản xuất bồ đề, soan, trẩu. Để đạt kết quả này, trước khi vào vụ trồng rừng, xã chủ động rà soát diện tích trồng; tích cực tuyên truyền giúp người dân nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích của việc trồng rừng. Qua đó, nhân dân trên địa bàn nêu cao ý thức, chuyển những khu đất dốc, nương bạc màu sang trồng rừng.

Tân Minh là xã còn nhiều khó khăn của huyện, sản xuất nông nghiệp nhiều trở ngại do địa hình chủ yếu đồi, núi. Việc trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả manh mún, nhỏ lẻ, không đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, tận dụng lợi thế từ địa hình đồi núi, trong những năm qua, trồng rừng sản xuất đã trở thành phong trào phát triển rộng trên địa bàn, được nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Chị Hà Thị Hằng, xóm Cò Phày, xã Tân Minh cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ trồng rừng, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trồng trên 3 ha bồ đề, 1 ha trẩu và soan xen lẫn. Trung bình mỗi năm, tôi bán từ 150 - 200m3 gỗ nguyên liệu, cùng với chăn thả vật nuôi ngay tại đồi rừng đem lại thu nhập trên 120 triệu đồng/năm. Từ đó có thêm khoản thu nhập phục vụ đời sống sinh hoạt của gia đình và đầu tư phát triển sản xuất.

Nhận thấy trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao, người dân xã Tân Minh tập trung trồng rừng sản xuất, chủ yếu trồng bồ đề và trẩu. Cây bồ đề sinh trưởng tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương. Thời gian trồng từ 7 - 8 năm để đảm bảo sản lượng gỗ khai thác cao cũng như chất lượng gỗ ổn định, nếu trồng từ 10 - 12 năm có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá bồ đề được thu mua từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/m3. Năm 2024, sản lượng gỗ khai thác toàn xã đạt hơn 5.700m3. Nguồn thu từ trồng rừng góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống người dân. Ngoài ra, xã chú trọng cân bằng diện tích rừng trồng với diện tích rừng khai thác để đảm bảo phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt trên 33 triệu đồng, trung bình mỗi năm xã giảm 4 - 5% hộ nghèo, hiện xã còn 38,33% hộ nghèo.

Đồng chí Hà Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả, Đảng ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể, các xóm làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở các khu dân cư, khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên rừng. Công tác giao đất, giao rừng cho người dân thực hiện đúng chính sách, pháp luật, thường xuyên tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trồng rừng có hiệu quả để nâng cao đời sống người dân, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Xã duy trì độ che phủ rừng ở mức 65% trở lên.

 

Mạnh Cường

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/197237/Xa-Tan-Minh-phat-trien-kinh-te-rung-ben-vung.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật