Chi phí logistics luôn là ‘điểm nghẽn’
Có thể thấy, chi phí logistics ở Nghệ An vẫn đang là một ‘điểm nghẽn’, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nói riêng và nền kinh tế ở địa phương nói chung. Bởi ngành logistics có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng và dịch vụ thương mại, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Chi phí logistics đắt đỏ vẫn đang là một “điểm nghẽn” làm giảm sức cạnh tranh của DN |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong - KCN Nghi Phú, TP. Vinh (Nghệ An, chuyên xuất khẩu các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu - cho biết: Hiện công ty đang làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre đan, xuất khẩu trực tiếp sang 34 quốc gia, chủ yếu là châu Âu. Nhưng chi phí vận chuyển luôn là rào cản của các DN địa phương, ông Phong cho biết, “Nghệ An tuy có cảng Cửa Lò nhưng tất cả hàng hoá của công ty phải vận chuyển bằng đường bộ ra cảng Hải Phòng để xuất qua châu Âu, vì ở Hải Phòng mới có tàu chuyển container ra tàu lớn. Nếu một chuyến hàng của công ty qua cảng Cửa Lò ra Hải Phòng mất 3 ngày và chi phí bốc dỡ 2 lần, còn nếu vận chuyển bằng đường bộ ra cảng Hải Phòng chỉ mất chưa tới 1 ngày, đỡ mất thời gian và mất thêm chi phí…. Thêm một điều nữa, lượng container ở cảng Cửa Lò không đủ để cung cấp cho các DN, lượng hàng xuất khẩu ở Nghệ An không đủ cho một chuyến tàu mẹ khi ra cảng Hải Phòng…".
Cũng tại Hội nghị tổng kết hoạt động xuất, nhập khẩu do Sở Công Thương Nghệ An tổ chức vào đầu năm 2021, ông Mai Đình Quý – Trưởng phòng Xuất nhập nhẩu, Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam - cho biết, công ty gặp khó khăn trong hoạt động vận tải, tìm kiếm dịch vụ loigistics. Ở Nghệ An, chi phí thường cao hơn so với các đơn vị vận tải và logistics quốc tế. Công ty thường phải thuê xe tải để vận chuyển hàng từ Nghệ An ra Hà Nội. Nếu thuê đơn vị vận tải ở Hà Nội thì chi phí tầm khoảng 3 triệu đồng đã bao gồm tất cả thuế phí, tuy nhiên khi hỏi ở Nghệ An thì chi phí này từ 4-5 triệu đồng cho 1 chuyến xe. Cùng 1 phương tiện và phương thức vận tải, chi phí ở Nghệ An cao hơn 50-70% chi phí thuê ở Hà Nội.
Các chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục hải quan… chiếm tỷ lệ khá lớn nên giá thành bị đẩy lên cao khiến giảm sức hút đầu tư và cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Đặc biệt, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với DN khi thâm nhập thị trường mới.
Cần tập trung hơn cho chính sách và hạ tầng
Mặc dù đánh giá logistics của Nghệ An đã có nhiều cải thiện, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phát triển dịch vụ logistics trong kết nối giữa các loại hình dịch vụ vận tải... Nguyên nhân chủ yếu vẫn do nguồn vốn bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông hạn chế, quy mô nhỏ, chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời. Bên cạnh đó, các DN cung cấp dịch vụ logistics chưa nhiều, mối liên kết giữa các DN xuất, nhập khẩu và DN dịch vụ logsitcis chưa chặt chẽ, chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, thiếu vốn, năng lực quản lý hạn chế, chưa được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Chi phí logistics luôn được xem là một trong những gánh nặng của doanh nghiệp. |
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty CP vận tải Việt - Nhật tại Nghệ An, thời gian qua, tàu cá của ngư dân thường xuyên chiếm dụng cầu cảng Cửa Lò làm nơi neo đậu, gây cản trở đến việc khai thác cầu bến, an toàn hàng hải và an ninh trật tự trên bến cảng. Vùng nước trước bến thường xuyên bị bồi lắng gây tốn kém chi phí duy tu bảo dưỡng hàng năm. Luồng tàu ra vào cảng Cửa Lò sau thời gian nâng cấp xuống (-7,2m) nhưng hiện nay đã bị bồi lắng chỉ còn -5,7m, hạn chế các tàu có trọng tải từ 10.000 DWT đến 25.000 DWT giảm tải ra vào… Ông Khánh cũng cho rằng, có hai vấn đề cần quan tâm để phát triển dịch vụ logistics đó là chính sách và hạ tầng.
Nói về cơ hội và thách thức trong việc đầu tư, phát triển của ngành logistics hiện nay, ông Nguyễn Khắc Trường - Giám đốc Công ty Toàn Cầu chi nhánh nghệ An - cho biết, gần 10 năm kinh doanh dịch vụ logistics, công ty vẫn chưa thể thực hiện được các đơn hàng quốc tế qua cảng Cửa Lò. Kế hoạch mở rộng kho bãi, đầu tư hệ thống vận chuyển hàng hoá gặp khó khăn, DN không phát triển được dịch vụ theo chuỗi cung ứng để đáp ứng theo yêu cầu DN xuất nhập khẩu. cảng hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu tập kết các mặt hàng. Công ty hiện đang đầu tư thêm 36.000m2 nhưng cũng chưa giải phóng được mặt bằng. Nên tất cả hàng hoá thông qua cảng, tàu ra vào một tuần 3 tàu, tàu từ 400- 600 TEU đang bức xúc vì bến bãi, không có để tập kết hàng hoá.
Các DN hoạt động logistics Nghệ An chủ yếu là DN vừa và nhỏ do đó việc tiếp cận vốn còn hạn chế, công nghệ khó lựa chọn do còn hạn chế về nguồn lực. "Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics, hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm cả hình thành các DN dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics... Đồng thời, cần tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không… tạo thuận lợi hơn nữa cho dịch vụ logistics phát triển, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương…", ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết.
Hoàng Trinh