Chủ động các giải pháp tưới
Ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nông dân huyện Krông Năng đã tất bật ra vườn tưới cho các loại cây trồng để bảo đảm đủ nước cho cây ra hoa, đậu quả tốt.
Gia đình ông Nguyễn Văn Khoan (thôn 3, xã Phú Xuân) có gần 2 ha cà phê trồng xen sầu riêng, niên vụ vừa qua thu hoạch được khoảng 3 tấn cà phê nhân. Việc trồng, chăm sóc cây cà phê quan trọng nhất là thời điểm tưới nước nên ngay sau Tết gia đình ông đã bắt đầu tưới nước cho vườn cà phê để hoa nở đều, quả đậu nhiều. Gia đình cũng đã đào ao chứa nước để chủ động nguồn nước tưới trong mùa khô. "Hiện tại mực nước trong ao vẫn đủ để tưới được vài đợt. Hy vọng thời tiết năm nay mưa thuận, gió hòa và giá cả tiếp tục ở mức cao để người nông dân có mùa màng bội thu, có nguồn tài chính ổn định để tiếp tục đầu tư tốt cho vườn cây", ông Khoan chia sẻ.
Gia đình chị Ngọc Thị Quýt (thôn Giang Thanh, xã Ea Dah) có hơn 1 ha cà phê chuẩn bị tưới nước đợt một. Chị Quýt cho hay, thời tiết hiện nay không nắng gắt như những năm trước đây nên cũng chưa xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Mùa này, trung bình khoảng hai tuần, gia đình chị sẽ tưới một lần. Những năm trước đây, vì chưa có điều kiện khoan giếng và đào ao nên mỗi lần tưới, chị phải thuê cả nguồn điện và nguồn nước nên khá tốn kém. Tháng 6/2024, vợ chồng chị đã khoan giếng để bảo đảm nguồn nước tưới cho vườn cây trồng của gia đình. Đồng thời, để tiết kiệm nước và nhân công, gia đình đã đầu tư hệ thống béc tưới phun mưa trên cao.
![]() |
Nông dân huyện Krông Năng tưới cà phê đầu mùa khô 2025. |
Đối với cây trồng ngắn ngày, thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 với khoảng 63.000 ha cây trồng các loại. Cùng với việc chủ động các phương án điều tiết nguồn nước thủy lợi phù hợp, bà con nông dân cũng thường xuyên thăm đồng, chủ động chăm sóc, bón phân và kịp thời phòng trừ sâu bệnh cho lúa ở từng giai đoạn sinh trưởng. Bà H’Muih Byă (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) cho biết, để tránh hạn vào cuối vụ, gia đình bà và người dân trong buôn thực hiện gieo sạ sớm và sử dụng giống lúa ngắn ngày. Hiện lúa đang phát triển tốt, hứa hẹn một mùa bội thu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đơn vị đã chỉ đạo các phòng chuyên môn ở địa phương thường xuyên kiểm tra, đánh giá khối lượng nước hữu dụng của toàn bộ hệ thống hồ, đập để có kế hoạch đóng, mở nước phù hợp, có kế hoạch luân phiên điều tiết nước hợp lý; tăng cường tuyên truyền về việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hướng dẫn nông dân thực hành tưới tiêu khoa học, áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, hạn chế tối đa tình trạng thất thoát, rò rỉ nước để cung cấp đủ nước cho nhu cầu sản xuất; phối hợp chặt chẽ với ngành điện bảo đảm cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất.
Tăng cường tích nước và tiết kiệm nước
Kết thúc mùa mưa năm 2024, tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh là 1.544,2 mm (bằng 88,1% so với trung bình nhiều năm). Do đó, đầu vụ Đông Xuân 2024 - 2025, một số hồ chứa chưa đạt mực nước dâng bình thường. Nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện đạt trung bình từ 80 - 90% dung tích thiết kế. Điển hình có một số hồ chứa có dung tích trữ thấp như: hồ Vụ Bổn (45%), hồ Ea Kar (31%), hồ Ea Rớt (28%)… Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, ở ngoài vùng công trình thủy lợi khu vực Tây Nguyên có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ cho sản xuất nông nghiệp, dân sinh vào cuối vụ Đông Xuân (tháng 3 - 4/2025).
![]() |
Nông dân TP. Buôn Ma Thuột ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên vườn cà phê. |
Vụ Đông Xuân 2024 – 2025, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk phục vụ tưới cho gần 52.992 ha cây trồng các loại: lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây hoa màu khác… Để bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới vụ Đông Xuân, sau khi kết thúc vụ Hè Thu 2024, công ty đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ dự báo thời tiết, tình hình nguồn nước tại công trình, chủ động đóng cống để tích nước. Đồng thời, các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra nguồn nước, diện tích tưới của từng công trình để lập phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước. Đặc biệt là chú trọng các công trình có khả năng hạn hán, thiếu nước về cuối vụ và có nguồn để chống hạn. Hiện công ty đã xây dựng phương án chống hạn cho khoảng 49 công trình có khả năng bị hạn hán, thiếu nước về cuối vụ và có nguồn để thực hiện công tác chống hạn.
Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết và nguồn nước tại các công trình để chỉ đạo kịp thời công tác phục vụ tưới vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và có phương án phục vụ sản xuất cho nhân dân đạt hiệu quả tốt nhất. Đối với những công trình đang phục vụ tưới cao điểm, các chi nhánh của công ty bố trí người lao động túc trực thường xuyên tại công trình để điều tiết nước, dẫn nước, không để tình trạng tranh chấp nguồn nước xảy ra. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, có những đơn vị phải bố trí trên 80% lực lượng lao động túc trực tại công trình để điều tiết nước như huyện Ea Súp, huyện Krông Pắc... Do vậy, đến thời điểm này, công tác phục vụ tưới vụ Đông Xuân tại các công trình vẫn đang bảo đảm, chưa có công trình nào phải thực hiện chống hạn.
Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2024 – 2025; tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô trên cơ sở kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt. Đồng thời, tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, nâng cao ngưỡng tràn bằng bao tải cát, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn... |
Minh Thuận - Ngọc Thùy