Chủ động phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2024, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng. Do đó, người dân cần chủ động các giải pháp để phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.

Gia đình bà Hà Thị Hiềng, xóm Lọng, xã Vạn Mai (Mai Châu) chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn bò trong những ngày nắng nóng gay gắt. 
 
Hơn chục năm qua, gia đình bà  Hà Thị Hiềng, xóm Lọng, xã Vạn Mai (Mai Châu) duy trì chăn nuôi từ 5 - 6 con bò theo hình thức bán chăn thả. Chăn nuôi lâu năm nên bà Hiềng có kinh nghiệm trong bảo vệ, chăm sóc vật nuôi khi thời tiết thay đổi. Theo bà Hiềng, nếu mùa đông chuồng trại cần luôn đảm bảo kín gió thì mùa hè phải đảm bảo thông thoáng. Do đó, ngay từ đầu mùa hè, gia đình bà đã phát quang xung quanh, tháo bạt quây chuồng. Thường xuyên phun thuốc để diệt muỗi, ve, mòng nhằm ngăn chặn các loại côn trùng mang mầm bệnh lây cho đàn bò. Khi nắng nóng, không thả bò mà nuôi nhốt tại chuồng, cho ăn đủ cỏ, nước và tiêm phòng đầy đủ.
 
Đối với gia cầm, trong mùa nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị thiệt hại nếu người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Là hộ chăn nuôi lâu năm, gia đình anh Bùi Văn Hùng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) cũng có nhiều kinh nghiệm trong bảo vệ an toàn cho đàn gà nuôi mùa nắng nóng. Với quy mô nuôi hàng nghìn con/lứa, bước vào mùa nắng nóng, gia đình anh Hùng đặc biệt lưu ý đến mật độ chăn thả gà. Theo đó, gia đình nới rộng khu chăn thả, chuyển bớt gà từ khu nuôi có mật độ dày sang khu bên cạnh. Những ngày nắng nóng, điều chỉnh thời gian cho ăn, chủ yếu vào buổi sáng sớm và chiều tối khi thời tiết mát hơn. Đồng thời, bổ sung đầy đủ nước và một số vitamin để tăng cường sức đề kháng cho gà. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, sau đợt nắng nóng kéo dài thường có mưa lớn khiến gà dễ bị mắc bệnh nên phải theo dõi thời tiết để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn. 
 
Theo ngành chức năng, hiện nay, tổng đàn trâu trên địa bàn tỉnh có gần 108 nghìn con, đàn bò trên 92 nghìn con, đàn lợn trên 484 nghìn con, đàn gia cầm hơn 9 triệu con. Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi phát triển tương đối ổn định nhưng có một số dịch bệnh xảy ra, gần đây nhất là dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: Thời tiết nắng nóng gay gắt rồi chuyển mưa to là điều kiện để bùng phát một số dịch bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò. Vì vậy, hộ chăn nuôi cần chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi. Chuồng nuôi cần cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng vật nuôi. Những ngày nắng nóng gay gắt có thể phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng, bố trí quạt để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi. Chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt che chắn chống nắng và chống mưa tạt, gió lùa vào chuồng; khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải.
 
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần. Trong những đợt nắng nóng kéo dài cần chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, ăn vào sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế vào buổi trưa. Cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cho gia súc, gia cầm uống để tăng cường sức đề kháng, giải nhiệt. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, nhất là các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. 
 
 
Viết Đào
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/28/189880/Chu-dong-phong,-chong-nang-nong-cho-dan-vat-nuoi.htm
Tin liên quan