Ở tuổi 74, với hơn 30 năm gắn bó nghề chế tác lồng đèn trung thu truyền thống, chưa năm nào gia đình ông Lợi bỏ lỡ dịp Tết Trung thu.
Những ngày này căn nhà của ông Lợi nhộn nhịp khách hàng vào ra mua lồng đèn giấy kiếng. Theo ông Lợi, làm lồng đèn tuy dễ mà khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Để hoàn thành một chiếc lồng đèn trải qua nhiều công đoạn từ khi vót nan tre cho đến ráp khung, dán giấy và vẽ trang trí. Yếu tố quyết định làm nên nét riêng của từng chiếc lồng đèn là ở cách tạo hình dáng và cắt dán những họa tiết trang trí trên đèn sao cho bắt mắt, hấp dẫn của người thợ.
Ông Phan Văn Lợi (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) hoàn thiện những chiếc lồng đèn. |
Tre làm lồng đèn cũng phải là tre già ngâm với nước muối nhiều ngày để chống mối mọt, sau đó phơi khô, chuốt nan tùy theo kích cỡ của từng loại đèn. Giấy dán lồng đèn có nhiều màu, khi căng ra dán người thợ cần phải khéo léo để giấy thẳng góc và không bị rách. Vì làm hoàn toàn thủ công nên những chiếc lồng đèn được ông chau chuốt cẩn thận, uốn nắn, chỉnh chu từng chi tiết.
Những chiếc lồng đèn giấy kiếng truyền thống đủ màu sắc, hình dáng được hình thành từ đôi tay khéo léo của ông Lợi đã góp phần điểm tô cho biết bao cái Tết Trung thu thêm phần ý nghĩa, đem đến nhiều niềm vui cho nhiều thế hệ thiếu nhi phá cỗ đêm trăng rằm. |
Vừa tâm sự chuyện nghề, đôi bàn tay của ông Lợi vừa uyển chuyển cắt giấy màu thành các hình hoa văn để dán lên chiếc đèn ngôi sao năm cánh. Ông Lợi cho hay, từ tháng 4 âm lịch ông bắt đầu mua tre về chẻ, hong khô, tiến hành làm khung; đầu tháng 6 dán giấy cho đến tháng 7 tập trung hoàn thiện sản phẩm. Lồng đèn ông làm, một số để bán tại nhà, còn đa phần bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ hoặc làm theo đơn đặt hàng của các cơ quan, trường học. Trung bình mỗi năm, gia đình ông nhận làm khoảng 2.000 - 3.000 chiếc lồng đèn, chủ yếu là lồng đèn giấy kiếng hình sao năm cánh, các con vật, bông sen…, với giá bán từ 20.000 - 150.000 đồng/chiếc tùy kiểu dáng và kích thước.
“Để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng, có lúc tôi thức từ 5 giờ sáng làm đến tận khuya, thu nhập tuy không cao nhưng vì lòng đam mê rồi cũng quên đi cái mệt. Với tôi, bận bịu trong những ngày này để mang lại niềm vui Trung thu cho các cháu nhỏ là một điều hạnh phúc”, ông Lợi bộc bạch.
Ông Phan Văn Lợi (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) cắt hoa văn để trang trí cho những chiếc lồng đèn giấy kiếng. |
Không gắn pin, không tiếng nhạc vui tai nhưng những chiếc lồng đèn được làm thủ công vẫn có sức hút riêng. Với ông Lợi, gắn bó với nghề làm lồng đèn giấy kiếng không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn mang lại niềm vui cho trẻ em mỗi mùa Trung thu đến.
Thùy Linh