Hòa Bình nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Thời gian qua, với mục tiêu bứt phá mạnh mẽ điểm số và thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hoà Bình triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế.

Với môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Ảnh: Công ty TNHH Seyoung INC, Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
 
Khu công nghiệp (KCN) Nhuận Trạch được xác định là 1 trong 14 dự án trọng điểm của tỉnh, có diện tích 213,68ha, tổng vốn đầu tư 2.389,5 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hoà Phú - Hoà Bình đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng. Ông Lưu Quốc Khánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phú - Hòa Bình cho biết: Công ty định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN đồng bộ, hiện đại, tạo điểm nhấn về cảnh quan, môi trường, thu hút nhà đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ cao, có giá trị gia tăng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững ở địa phương.     
 
Tuy nhiên, giai đoạn đầu thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án chủ đầu tư đã gặp khó khăn, do thời điểm đó chưa có giá đất ở cụ thể làm cơ sở lập phương án bồi thường đối với trường hợp bị thu hồi đất ở; dự án nhà ở tái định cư cho các hộ dân có đất ở sinh sống trong khu vực dự án chưa hoàn thành. 
Để đẩy nhanh tiến độ, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Lương Sơn tiếp tục triển khai công tác GPMB; đầu tư xây dựng khu tái định cư; xây dựng kế hoạch và dự kiến tiến độ chi tiết để đảm bảo GPMB, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư đúng tiến độ. Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai dự án. Sáng 10/1/2025, dự án KCN Nhuận Trạch đã được khởi công. 
 
Thời gian qua, Hoà Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay sau đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch hành động. Nổi bật nhất là Kế hoạch số 11/KH-UBND, ngày 19/1/2024 của UBND tỉnh, trong đó xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị. Các giải pháp tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng quảng bá tiềm năng đầu tư qua các kênh truyền thông và sự kiện quốc tế. Nhiều hoạt động được thực hiện như quảng bá tại Hoa Kỳ, Canada, tham gia các chương trình hợp tác với Thái Lan, Ấn Độ đã giúp nâng cao hình ảnh của Hòa Bình trên trường quốc tế.
 
Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP đã tạo nên những bước chuyển trên nhiều lĩnh vực tại tỉnh Hoà Bình. Công tác cải cách hành chính đạt kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2024, tỉnh đã cung cấp 1.838 thủ tục hành chính, trong đó hơn 55% thủ tục được thực hiện trực tuyến toàn trình. Quy trình số hóa "5 bước trên môi trường điện tử" được áp dụng rộng rãi, giúp 100% thủ tục ở cấp tỉnh và huyện được xử lý trên môi trường số. Những cải tiến này giúp tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn lên 99,6%; mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 98%. Tất cả thủ tục đăng ký kinh doanh được số hóa, thời gian cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp giảm còn tối đa 2 ngày, góp phần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký hoạt động… Trung tâm điều hành thông minh (IOC) đã đi vào hoạt động, hỗ trợ theo dõi, phân tích số liệu theo thời gian thực, từ đó giúp lãnh đạo tỉnh ra quyết định kịp thời, hiệu quả. Hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ số về xúc tiến đầu tư được đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tra cứu thông tin.
 
Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hai cuộc đối thoại lớn với 280 doanh nghiệp tham gia trong năm qua đã giúp giải quyết triệt để nhiều kiến nghị của doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ vay vốn thông qua các cơ chế bảo lãnh và làm việc trực tiếp với ngân hàng thương mại. Tổng dư nợ trên địa bàn năm 2024 ước đạt 41.206 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm trước. Công tác giải quyết việc làm cũng đạt kết quả vượt kế hoạch với hơn 19.000 lao động có việc làm mới.
 
Dù đạt được nhiều thành tựu, Hòa Bình vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Một số thách thức chính như quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất và xây dựng còn chậm được phê duyệt, gây khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư; doanh nghiệp vẫn gặp khó trong tiếp cận đất đai và thực hiện thủ tục hành chính… Bên cạnh đó, chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu sự liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự thể hiện tinh thần phục vụ, làm giảm hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp.
 
Theo đồng chí Vũ Đức Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, ngành tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và các quy hoạch liên quan để làm cơ sở thu hút đầu tư. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao…
 
 
Minh Vũ
Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/12/197473/Hoa-Binh-no-luc-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh.htm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật