Không chủ quan khi dịch sốt xuất huyết gia tăng

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến ngày 25/9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 243 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue, đặc biệt trong tháng 9 ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại huyện Lương Sơn. Số ca mắc có xu hướng tăng dần theo thời gian.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi phun hóa chất phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại đơn vị.
Thống kê cho thấy, trong tháng 8 ghi nhận 50 ca, trong vòng 25 ngày tháng 9 ghi nhận 162 ca. Riêng trong tuần vừa qua (từ ngày 18 -25/9) ghi nhận 65 ca, tương đương 9,3 ca/ngày. Nguồn gốc các ca bệnh gần một nửa xuất phát từ địa phương (67 ca) đến nay chưa xác định được nguồn lây ban đầu, còn lại 176 ca có nguồn gốc từ các ổ dịch ngoại tỉnh do đi làm ăn xa trở về địa phương. Số ca mắc phân bố tại 9/10 huyện, thành phố. Tại các địa phương, hầu hết số ca SXH đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 125 ổ dịch, tập trung chủ yếu tại huyện Kim Bôi (48 ổ dịch), Lương Sơn (30 ổ dịch) và TP Hòa Bình (23 ổ dịch). Dự báo trong thời gian tới, dịch SXH Dengue trên địa bàn tỉnh có nguy cơ bùng phát nếu không có các biện pháp phòng, chống kịp thời.
 
Đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi cho biết: Thời gian gần đây, tình hình dịch SXH tại huyện gia tăng. Hiện trên địa bàn có 68 ca bệnh SXH, 12 ổ nội địa, 36 ổ ngoại lai, 15/17 xã, thị trấn có ca bệnh. Trước diễn biến tình hình dịch bệnh, huyện đã triển khai các biện pháp như: điều tra xác minh ca bệnh; giám sát vector truyền bệnh, phun hóa chất xử lý ổ dịch; chỉ đạo các trạm y tế quản lý tốt   ổ dịch, quản lý ca bệnh và các trường hợp đi làm ăn xa về địa phương; tư vấn theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện sốt, đau đầu, đau xương khớp... khuyến cáo đi khám, điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin về tình hình dịch SXH và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.
 
Đồng chí Trần Thị Ái Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, trung tâm đã tham mưu Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 738/KH-SYT, ngày 22/3/2023 về phòng, chống SXH năm 2023. Thực hiện giám sát phát hiện ca bệnh, giám sát ổ dịch, điều tra ca bệnh. Giám sát, theo dõi hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày để cập nhập tình hình mắc SXH trên địa bàn. Truyền thông bằng nhiều hình thức đến người dân các biện pháp phòng, chống SXH Dengue. Tổ chức xử lý ổ dịch SXH, triển khai tổng vệ sinh môi trường. Thực hiện giám sát véc tơ định kỳ. Dự trù vật tư, hóa chất, kinh phí phòng, chống dịch (PCD) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thống kê các loại máy phun ULV sử dụng trong phòng, chống SXH của các huyện, thành phố để báo cáo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn như: Một số  địa phương như huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình là cửa ngõ, giáp ranh với Hà Nội (ổ dịch SXH lớn của cả nước), khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, khu công nghiệp, khi phát hiện ổ dịch mới việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Chưa có sự vào cuộc quyết liệt của Ban chỉ đạo PCD một số địa phương. Kinh phí cho giám sát ổ dịch và phun hóa chất tại các huyện, thành phố hạn hẹp. Máy phun hóa chất ULV của một số địa phương bị hỏng không sử dụng được. Di biến động dân cư thường xuyên, liên tục trong ngày nên khó quản lý. Công tác giáo dục sức khỏe chưa thực sự tạo được sự chủ động thay đổi hành vi, sự tham gia đông đảo và thường xuyên của cộng đồng. 
 
Tại các ổ dịch có số ca mắc tăng điểm chung là nhiều khu đất trống, nhiều bụi rậm và nhà bỏ hoang, vườn rộng có nhiều ổ chứa lăng quăng, bọ gậy, khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều tạo điều kiện cho muỗi phát triển. Trong khi giám sát ca bệnh tại cộng đồng, cán bộ y tế phát hiện nhiều trường hợp nghi ngờ mắc SXH đã tư vấn, thuyết phục người dân đến cơ sở y tế khám, điều trị nhưng người dân chủ quan, tự mua thuốc về điều trị. Ý thức của người dân trong phòng, chống SXH chưa cao, khi mắc bệnh không khai báo với trạm y tế để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khiến dịch lây lan. Người dân chưa thường xuyên nằm màn khi ngủ và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, thực tế nhiều hộ có phế thải, dụng cụ chứa nước, chậu cảnh trong sân vườn có chứa ổ bọ gậy...
 
Thời gian tới, để tăng cường PCD SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề nghị Sở Y tế quan tâm đẩy nhanh công tác đấu thầu mua hóa chất diệt muỗi, đảm bảo cung cấp hóa chất để xử lý các ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tham mưu tiếp tục tổ chức chiến dịch tuyên truyền, giáo dục cộng đồng diệt muỗi, bọ gậy, cải tạo vệ sinh môi trường sống, chú trọng vệ sinh nguồn nước sinh hoạt. Tiếp tục triển khai công tác tổng vệ sinh môi trường (2 lần/tuần) tại khu vực nguy cơ cao, 1 lần/tuần tại các khu vực còn lại. Tăng cường công tác giám sát phát hiện ca bệnh, giám sát ổ dịch, điều tra ca bệnh. Giám sát, theo dõi hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm hàng ngày để cập nhập tình hình mắc SXH Dengue trên địa bàn.
 
 
Hương Lan
 

 

 

Nguồn: http://baohoabinh.com.vn/219/182348/Khong-chu-quan-khi-dich-sot-xuat-huyet-gia-tang.htm
Tin liên quan