Thời điểm trước Tết khoảng 2 tháng là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất, hàng hoá. Giai đoạn trước 1 tháng là thời điểm các hệ thống phân phối phải có kế hoạch tích trữ gấp 3 lần số lượng hàng, sắp xếp các kệ, kho, quầy để chuẩn bị bán hàng Tết.
Trước 10 ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng tới 200% so với ngày thường, do đó, kế hoạch lưu thông phân phối phải điều chỉnh liên tục theo ngày, thậm chí theo giờ, để đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế. Đây cũng là thách thức không nhỏ cho nhiều hệ thống phân phối khi trải qua các giờ mua sắm cao điểm.
Tại hệ thống bán lẻ hiện đang có khoảng 40.000 mặt hàng các loại để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân. Ở thời điểm cận Tết, mỗi ngày có tới 10.000 khách hàng mua sắm. Do đó thời gian đóng - mở cửa, cũng đã được điều chỉnh từ 7h sáng đến 23h, thay vì 9h-22h như trước đây. Thậm chí, bán đến 24h, hoặc có thể phục vụ thông đêm, nếu khách hàng vẫn có nhu cầu mua sắm.
"Mặt hàng năm nay đa dạng hơn nhiều, tất cả từ rau đến trái cây, thức uống và các đồ tươi sống đầy đủ hết. Bố trí cho người mua tìm dễ dàng hơn và trông đẹp hơn", bà Nguyễn Thị Thu, quận Đống Đa, TP Hà Nội chia sẻ.
Theo đại diện đơn vị phân phối, lượng người mua sắm tăng cao có lúc đã xảy ra tình trạng tắc cục bộ. Để tạo sự thông thoáng trong quá trình mua sắm, một loạt các phương án đã được áp dụng: Thay đổi vị trí quầy hàng để giúp khách lựa chọn nhanh rút ngắn thời gian tìm kiếm, tăng số lượng các cây cân ngay quầy hàng, thêm nhân viên tại khu vực tính tiền, song song đó thiết kế các quầy tự động để người mua tự làm thủ tục tính tiền, thậm chí, bãi đỗ xe đã được sắp xếp lại, để sau khi khách mua hàng xong đi ra bên ngoài được thuận tiện và nhanh nhất.
"Chúng tôi cũng sẵn sàng các kịch bản về làm tăng ca, nếu nhu cầu tăng lên và khách hàng đến siêu thị mua sắm nhiều hơn", ông Lê Mạnh Phong - Giám đốc điều hành khối cửa hàng BigC, Go!, Tops Market khu vực miền Bắc cho hay.
Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến Tết sức mua sẽ tăng lên. Mặt hàng rất phong phú, giá cả đã có 25 doanh nghiệp cam kết với Sở Công Thương là bình ổn, không tăng giá trong dịp này".
Hiện trên thị trường có hàng nghìn chợ truyền thống, trung tâm mua sắm và các siêu thị đang bước vào thời điểm hoạt động hết công suất để phục vụ người dân mua sắm Tết. Hàng hóa dồi dào, nhu cầu mua sắm tăng cao, phần nào cho thấy người dân với tâm thế chủ động, phấn khởi để chuẩn bị đón chào một năm mới, một năm mới với nhiều kỳ vọng mới.
Theo VTV.VN