TP. Hồ Chí Minh: Xử lý 4.846 vụ vi phạm thương mại

Trong năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra 5.145 vụ, xử lý 4.846 vụ vi phạm liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại.

Tình trạng buôn lậu có xu hướng gia tăng

Sáng ngày 16/1, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2024 và phương hướng triển khai nhiệm năm 2025.

Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2024, với sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế xã hội, tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và gian lận thương mại cũng có chiều hướng gia tăng.

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu chủ trì hội nghị.
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu chủ trì hội nghị.

Nhiều đối tượng đã lợi dụng các sàn giao dịch thương mại điện tử, nền tảng mua bán trực tuyến và mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok để thực hiện các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hàng hóa được tập kết, lưu trữ tại các kho hàng hoặc bến bãi ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, sau đó được vận chuyển tiêu thụ thông qua các dịch vụ giao nhận.

Trong khi đó, địa bàn TP. Hồ Chí Minh với diện tích rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa cùng mật độ dân cư đông đúc đã trở thành nơi thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu và hàng hóa không rõ nguồn gốc. Những hoạt động này thường diễn ra tại các khu vực vùng ven, ngoại thành, hẻm sâu, khu vực nhiều ngõ ngách hoặc trong các chung cư cao cấp, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý.

Trong lĩnh vực thuốc lá, mặc dù tình trạng vận chuyển và kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có xu hướng giảm, vi phạm liên quan đến thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng lại gia tăng. Nhu cầu lớn từ thị trường, đặc biệt là từ giới trẻ, học sinh, sinh viên, đã tạo điều kiện cho các đối tượng công khai rao bán sản phẩm trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Xử lý hơn 4.800 vụ vi phạm thương mại

Từ đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kế hoạch tập trung kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả tại các địa bàn trọng điểm và nhóm hàng hóa nổi cộm. Các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, quận, huyện để tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh kiểm tra thuốc lá nhập lậu. Ảnh Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh
Lực lượng Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị phát hiện vụ vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu (Ảnh: Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh)

Trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 5.145 vụ, xử lý 4.846 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến 92,7 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng, vượt 113,7% so với chỉ tiêu, với mức vượt hơn 12 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu chờ xử lý đạt hơn 73,3 tỷ đồng, tăng 37,52% so với cùng kỳ năm 2023; trị giá hàng hóa đã tiêu hủy lên đến hơn 60,4 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đã tập trung vào các mặt hàng, lĩnh vực nổi cộm, với sự quyết liệt trong chỉ đạo và bám sát tình hình thực tế trên thị trường. Các mặt hàng được kiểm tra như vàng trang sức, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thương mại điện tử và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đều có sự giám sát chặt chẽ. Dù số vụ vi phạm về hàng hóa nhập lậu giảm mạnh 35,18% so với năm 2023, nhưng các vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ tăng mạnh tới 39,98%, đặc biệt là vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, tăng tới 392,2% so với năm trước.

Qua công tác giám sát, Cục đã phát hiện các kho hàng và điểm trung chuyển, chứa trữ hàng hóa lậu, đặc biệt tại các tuyến phố du lịch, địa bàn nổi cộm, trọng điểm và trung tâm thương mại. Đồng thời, tình hình vận chuyển và kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có xu hướng giảm, nhưng vi phạm đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá thế hệ mới lại gia tăng phức tạp, chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, và hàng hóa không rõ chất lượng được bày bán trên các nền tảng thương mại điện tử.

Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường và cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2024, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2025.

Triển khai hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; giám sát, kiểm tra trong thương mại điện tử, đặc biệt tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết…

Năm 2024, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố 11 vụ án hình sự với tang vật, phương tiện vi phạm ước tính khoảng 22 tỷ đồng.
 
Tác giả: Ngân Nga
Nguồn: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-xu-ly-4846-vu-vi-pham-thuong-mai-369850.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật