Nếu so sánh với quốc tế, các chuyên gia đánh giá trình độ và năng lực công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam đạt mức trung bình của thế giới. Theo đó, để giúp cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ.
TS. Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, trong 10 năm trở lại đây công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản (NLTS) của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 8 - 10%.
"Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm" - TS. Nguyễn Quốc Toản thông tin.
Đầu tư công nghệ giúp ngành công nghiệp chế biến nông sản nâng cao năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranhĐồng thời, sản phẩm nông sản được chế biến sâu đạt trên 32%, chủng loại phong phú, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP). Ngoài ra, nước ta còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình thực hiện sơ chế, chế biến, bảo quản để phục vụ tiêu dùng nội địa.
Chế biến NLTS đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa và hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn, kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến NLTS chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp còn bộc lộ nhiều tồn tại.
Cụ thể, công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao chỉ đạt ở mức trung bình (ngoại trừ một số tổ hợp chế biến NLTS hiện đại được đầu tư trong 4 - 5 năm trở lại đây), sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú.
Đóng góp của công nghiệp chế biến nông sản để làm tăng giá trị gia tăng của nông sản hàng hoá còn nhiều hạn chế, tác động đến việc thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh. Chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tổn thất sau thu hoạch còn cao khoảng 10 - 20% tùy theo ngành hàng.
Việc sử dụng các phế phụ phẩm để sản xuất các sản phẩm phụ, nâng cao hiệu quả sản xuất còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển; việc đầu tư vào chế biến nông sản còn khó khăn, nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp; hiện nay đã hình thành một số tập đoàn lớn hiện đại nhưng số lượng còn ít như Doveco, TH, Nafood, Masan, Dabaco, Minh Phú...
Theo một cuộc điều tra, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ một số ngành hàng nông sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, các ngành hàng chế biến nông sản có trình độ và năng lực công nghệ chỉ ở mức trung bình tiên tiến và trung bình. “Nếu so sánh với quốc tế, các chuyên gia đánh giá trình độ và năng lực công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam đạt mức trung bình của thế giới” - TS. Nguyễn Quốc Toản nêu.
Từ đó, cho thấy nhu cầu tiếp nhận công nghệ chế biến nhằm nâng cao trình độ công nghệ để tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến nông sản rất to lớn. “Để phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản ở Việt Nam theo kịp được xu hướng của thế giới, tất yếu là phát triển theo hướng hiện đại với mức tự động hoá cao, ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến nông sản đáp ứng mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm” - TS. Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, công nghệ đang trở thành một động lực của phát triển kinh tế trong cả nước, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường, tham gia vào mậu dịch quốc tế và nâng cao mức sống. Vì vậy, để giúp cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ.
Những năm qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để định hướng và khuyến khích phát triển, nhất là các chính sách hỗ trợ (trong đó có các chính sách về phát triển và ứng dụng công nghệ) để phát triển cơ giới hoá nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tạo ra đột phá cho ngành.
Đại diện Công ty Cổ phần Dabaco Việt Nam cho rằng, việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để thực hiện chuỗi giá trị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đây là câu chuyện không dễ vì tốn kém nhiều kinh phí. Theo đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Để giảm bớt gánh nặng ngân sách, Chính phủ cần phải có chiến lược thu hút các nguồn vốn ODA, FDI và hình thành trục liên kết với các DN trong nước… nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao.
Theo Báo Công Thương