Thay vì chen chân ở chợ, lên mạng mua sắm
Anh Nguyễn Hoàng Thắng (chủ cửa hàng công nghệ tại Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Công nghệ đã thay đổi cách chúng ta chuẩn bị và đón Tết. Trước đây, việc mua sắm Tết thường diễn ra tại các chợ truyền thống nhưng ngày nay, nhiều người chọn mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian, công sức. Các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada hay Tiki cung cấp hàng loạt các sản phẩm Tết từ thực phẩm, quần áo đến đồ trang trí, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, mua sắm chỉ với vài cú click chuột.
Các ứng dụng di động cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân chuẩn bị Tết; cung cấp nhiều thông tin hữu ích về phong tục, cách trang trí, chuẩn bị mâm cỗ Tết. Ngoài ra, ứng dụng còn có các tính năng thông minh như trợ lý ảo, hỗ trợ dịch thuật, cung cấp thông tin thời tiết…
Bạn trẻ chụp hình đón Tết |
Là tín đồ mua sắm online, cô gái trẻ Nguyễn Hương Trà (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn chọn kênh Shopee là số 1 trong cuộc sống hằng ngày cũng như mỗi dịp Tết cổ truyền. Hương Trà cho hay: “Thay vì chen chân ở siêu thị, chợ, em lên mạng để mua. Các sàn thương mại điện tử cung cấp đầy đủ thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng, thiết bị điện tử... Em dễ dàng so sánh giá cả, đọc đánh giá từ những người mua trước và tận hưởng các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Nhiều sản phẩm còn được miễn phí vận chuyển, giúp em tiết kiệm chi phí”.
Theo cô gái trẻ, mua sắm trực tuyến cho phép người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm và mua sản phẩm mà không phải dành hàng giờ để đi lại, gửi xe, xếp hàng chờ thanh toán. Người mua chỉ cần ngồi tại nhà, đặt hàng qua các ứng dụng hoặc trang web thương mại điện tử. Thị trường trực tuyến rộng lớn không giới hạn về không gian, thời gian, chúng ta có thể thỏa sức sắm.
“Mua sắm trực tuyến cũng an toàn, bảo mật cho người tiêu dùng. Các nền tảng thương mại điện tử uy tín thường có chính sách bảo vệ người mua, đảm bảo hoàn tiền hoặc đổi trả nếu sản phẩm không đúng như mô tả. Điều này giúp em yên tâm mua sắm”, cô gái chia sẻ.
Nhờ có công nghệ, các bạn trẻ có cơ hội chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ |
Kết nối xuyên biên giới
Tết năm nay, bạn trẻ Đỗ Ngọc Mai (làm việc tại Busan, Hàn Quốc) không về Việt Nam. Đây không phải là cái Tết đầu tiên Mai ở lại xứ sở Kim Chi nên đã thành quen. Vì vậy, mạng xã hội là công cụ không thể thiếu trong dịp Tết đối với cô, giúp kết nối, chia sẻ niềm vui với gia đình, bạn bè. Dù xa nhà nhưng những lời chúc Tết, hình ảnh sum họp gia đình và video mừng năm mới của Mai và người thân ở Việt Nam vẫn được gửi cho nhau, tạo không khí Tết ấm áp, gần gũi.
Đỗ Ngọc Mai chia sẻ: “Nhờ có mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, những người con xa quê như em có thể dễ dàng kết nối với gia đình, bạn bè. Các cuộc gọi video qua Messenger, Zalo hay Zoom giúp mọi người nhìn thấy và nghe giọng nói của nhau, chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ dù ở cách xa hàng nghìn cây số. Những lời chúc Tết, các câu chuyện vui buồn được truyền tải qua màn hình điện thoại đã xóa nhòa khoảng cách địa lý.
Dù em không thể trực tiếp ngồi bên người thân trong gia đình ăn bữa cơm đoàn viên, cỗ Tết nhưng vẫn có thể biết được mâm cỗ có những món gì, những ai ngồi cùng nhau khi được các anh, chị chia sẻ bữa cơm Tết qua màn hình điện thoại, máy tính. Em cũng cảm thấy như đang hòa nhịp trong không khí ấm cúng, gần gũi với mọi người ở quê hương”.
Không những vậy, Đỗ Ngọc Mai còn sử dụng các kênh thương mại điện tử để gửi quà Tết về cho gia đình. Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, cô đã chọn mua được những món quà ý nghĩa và gửi đến tận tay người thân, dù ở tận Hàn Quốc.
Một số phẩm trang trí cho Tết được giới thiệu trên trang mua sắm trực tuyến |
Công nghệ nâng tầm văn hóa
Theo ghi nhận của phóng viên, một ví dụ điển hình về sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa Tết là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và mã QR trong các chiến dịch quảng cáo, truyền thông. Có những quảng cáo Tết đã sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh, thông điệp mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống nhưng lại được thể hiện qua lăng kính hiện đại. Điều này không chỉ giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mà còn tạo ra sự mới mẻ, thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Công nghệ cũng mang đến nhiều lựa chọn giải trí, học hỏi trong dịp Tết. Các nền tảng xem phim, trò chơi điện tử, các khóa học trực tuyến giúp giới trẻ có thêm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích trong những ngày nghỉ lễ.
Anh Hoàng Tuấn Nam (một chuyên gia công nghệ) cho biết: Truyền thống lì xì ngày Tết cũng được hiện đại hóa với sự ra đời của các dịch vụ lì xì online. Các ứng dụng như WeChat, ZaloPay, MoMo cho phép người dùng gửi tiền lì xì điện tử kèm theo những lời chúc tốt đẹp. Điều này không chỉ tiện lợi mà còn giúp duy trì nét đẹp văn hóa trong thời đại số.
Những hình ảnh đẹp được các bạn trẻ nhờ công nghệ lưu giữ cùng thời gian |
Với nhiều hình thức Zalo, Messege chat, Livestream, Viber… dù ở tận phương trời nào chúng ta cũng có thể kết nối. Mọi người nhìn thấy nhau, hòa vào không khí đón Tết. Chúng ta có thể chúc Tết online, cũng không cần nhiều thời gian để bấm từng phím chữ, soạn một tin chúc Tết, mà giờ đây có những lời chúc mẫu phù hợp với từng đối tượng, kèm theo hình ảnh, âm thanh đa phương tiện bắt mắt, sinh động.
Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) mang lại những trải nghiệm Tết mới lạ đã được áp dụng ở nhiều nơi. Người dùng có thể tham gia các lễ hội Tết, xem pháo hoa, thậm chí là tham quan các chợ hoa Tết qua màn hình điện thoại hoặc kính VR. Những trải nghiệm này giúp người dùng cảm nhận được không khí Tết một cách sống động, chân thực.
Anh Nam nhận định: “Công nghệ đã và đang nâng tầm văn hóa Tết Nguyên đán, mang lại nhiều tiện ích, trải nghiệm mới mẻ. Nhờ có công nghệ, những giá trị truyền thống của Tết cổ truyền vẫn được gìn giữ, phát huy, đồng thời tạo ra những cách thức mới để kết nối, chia sẻ niềm vui ngày Tết”.
Năm 2025, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày, từ 25/1 đến hết ngày 2/2/2025. Đây là cơ hội để mọi người có thêm thời gian bên gia đình, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch. Công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, mang lại những trải nghiệm Tết đáng nhớ cho mọi người. |