Xuân yêu thương - Tết chia sẻ
Trước kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, nhiều trường học trên cả nước tổ chức các hoạt động ý nghĩa như: Hội chợ Tết, “Xuân yêu thương - Tết chia sẻ”, tặng quà các học sinh có hoàn cảnh khó khăn… để trẻ được trải nghiệm không khí vừa náo nức, vừa ấm áp tình người dịp Tết. Các em nhỏ được tham gia hội chợ, học gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian. Thầy cô giáo, phụ huynh cũng không bỏ lỡ thời gian quý giá này để dạy con trẻ những bài học hay về cuộc sống, những phong tục đẹp của dân tộc trong ngày Tết cổ truyền.
Các học sinh hào hứng gói bánh chưng ở trường |
Chị Nguyễn Ngọc Linh (phụ huynh có con học lớp 6 tại quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) cho rằng, việc tổ chức các hoạt động vui Tết cho học sinh mang ý nghĩa quan trọng. Các hoạt động như gói bánh chưng, viết thư pháp và bày mâm ngũ quả, giúp các em hiểu rõ hơn về phong tục, nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam.
Những hoạt động này tạo ra môi trường vui vẻ, giúp học sinh cảm nhận được không khí Tết, từ đó tăng cường tinh thần học tập và sự gắn kết. Đồng thời, việc tham gia các hoạt động như làm thủ công, vẽ tranh và chơi các trò chơi dân gian giúp học sinh rèn luyện kỹ năng vận động, tư duy sáng tạo và tinh thần đồng đội.
Theo chị Linh, các chương trình như "Xuân yêu thương - Tết chia sẻ" diễn ra vào mỗi dịp Tết đến xuân về không chỉ giúp hiểu về giá trị của sự sẻ chia mà còn khuyến khích các em tham gia vào hoạt động từ thiện, giúp đỡ bạn bè có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi thấy những hoạt động này không chỉ mang lại niềm hạnh phúc khi cho đi mà còn giúp học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức, kỹ năng và phẩm chất đạo đức”, chị Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ.
Các bạn nhỏ vui chợ Tết |
Trân trọng hơn những giá trị tốt đẹp
Trong hoài niệm của anh Nguyễn Hoàng Long (ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) cũng như rất nhiều người, Tết rất vui, mùa xuân luôn rất đẹp. Chỉ cần nhìn thấy những cành mai, cành đào khoe sắc là anh mong nhanh đến khoảnh khắc sum vầy của gia đình, tình thân và đã thấy ấm áp, tươi mới.
Anh Long chia sẻ, trước đây, suốt cả năm, anh chỉ mong đến Tết để được ăn no; trẻ con mong đến Tết để được mặc quần áo mới. Bây giờ ngày nào cũng ăn ngon như Tết nên nhiều người không còn thấy hào hứng mong chờ Tết nữa. Có điều không phải vì thế mà chúng ta ăn Tết qua loa và quên việc giáo dục các con cháu về ý nghĩa của ngày Tết, không cho trẻ có cơ hội được trải nghiệm Tết cổ truyền.
Tết là dịp để người lớn giáo dục con trẻ về truyền thống của dân tộc |
Anh Long luôn gìn giữ truyền thống. Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong năm của người Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới. Đây là dịp để mọi người tạm gác lại những lo toan của cuộc sống, trở về bên gia đình và cùng nhau đón chào năm mới với nhiều hy vọng.
Anh cho rằng, một trong những cách hiệu quả nhất để dạy con về văn hóa dân tộc là thông qua các phong tục truyền thống của Tết. Mỗi dịp Tết đến, vợ chồng anh cùng các con chuẩn bị cỗ với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành; trang trí nhà cửa với câu đối đỏ, hoa mai, hoa đào và hướng dẫn con cách thắp hương, cúng gia tiên.
Những câu chuyện cổ tích và truyền thuyết liên quan đến Tết như sự tích bánh chưng bánh dày, câu chuyện về ông Công ông Táo, hay truyền thuyết về con giáp, đều là những bài học quý giá về lịch sử và văn hóa dân tộc.
“Tôi thường kể cho các con nghe những câu chuyện về Tết, giúp các con hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa của các phong tục Tết cổ truyền dân tộc. Chúng tôi dạy con cách chúc Tết ông bà, cha mẹ và những người thân yêu, thể hiện lòng biết ơn đối với những người đã giúp đỡ mình. Những bài học này cho các con hiểu và trân trọng hơn những giá trị tốt đẹp của cuộc sống”, anh Long cho hay.
Gia đình sum họp, thêm yêu quê hương, đất nước
Cứ đến Tết, bạn nhỏ Lê Hồng Nhung (14 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) lại được gói bánh chưng cùng gia đình; rồi còn được bố mẹ cho đi thăm người thân, đi chơi Tết, mừng tuổi ông bà và ăn những món truyền thống…
Hồng Nhung bày tỏ: “Em rất thích Tết. Cứ đến Tết là gia đình em cùng nhau gói bánh chưng. Bố mẹ gói bánh chưng rất nhanh và đẹp nên em cũng đã học được cách gói. Mỗi lần cả nhà ngồi quây quần bên nhau gói bánh chưng em cảm thấy rất ấm cúng, hạnh phúc. Qua những mùa Tết cổ truyền, em thấu hiểu rất nhiều về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam và thêm yêu quê hương, đất nước”.
Em nhỏ ở trường mầm non trải nghiệm gói bánh chưng dịp Tết |
Mỗi dịp Tết đến lại có những tranh cãi về việc “Tết ngày càng nhạt”. Chúng ta không nên đặt vấn đề đó để bàn tán, Tết nhạt hay không là tùy trong suy nghĩ của mỗi người. Tuy nhiên, với đa số người dân, Tết luôn là sự khởi đầu rất thiêng liêng. GS.TS Nguyễn Văn Huyên - một học giả nổi tiếng của nước ta từng viết, Tết Nguyên đán là ngày lễ được người Việt tổ chức long trọng nhất trong năm. Ông nhấn mạnh rằng Tết không chỉ là sự khởi đầu của một năm mới mà còn là thời điểm để mọi người gửi gắm những ước vọng tốt đẹp.
Ông cũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của ngày Tết: Dù thế nào đi nữa, nếu không phải tất cả các truyền thống cổ đều còn được tôn trọng thì trong dịp lễ này, từ Bắc chí Nam, cả nước đều hoan hỉ.
Các nhà nghiên cứu văn hóa cũng chỉ ra rằng, Tết Nguyên đán là dịp để người Việt thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc. Họ nhấn mạnh, Tết là thời điểm để gia đình sum họp, gắn kết, thêm đong đầy yêu thương.