Tiền Giang: Gần 554 tỷ đồng dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Ngành Công Thương Tiền Giang triển khai kế hoạch dự trữ, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2023, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Gần 554 tỷ đồng dự trữ hàng hóa Tết

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đồng thời thực hiện Kế hoạch 497 của UBND tỉnh, ngành Công Thương tỉnh Tiền Giang đã triển khai dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Việc này nhằm góp phần thực hiện chủ trương bình ổn giá cả thị trường và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Tiền Giang: Gần 554 tỷ đồng dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Tiền Giang đang triển kế hoạch chuẩn bị khoảng gần 554 tỷ đồng dự trữ hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang - cho biết: Trước khi trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở đã trao đổi với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, công ty lương thực, hợp tác xã thương mại dịch vụ xây dựng kế hoạch dự trữ và cung ứng hàng Tết (ưu tiên dự trữ, cung ứng hàng Việt).

Đến nay, nguồn hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã và đang được các doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác xã chuẩn bị theo kế hoạch, với nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ gần 554 tỷ đồng, trong đó hàng hóa thiết yếu hơn 136 tỷ đồng.

Cụ thể, lượng hàng hóa thiết yếu được 8 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gồm: 801 tấn gạo các loại; 677 tấn đường cát các loại; hơn 1,35 triệu lít dầu ăn các loại; hơn 964 tấn bột ngọt, hạt nêm các loại; 46,5 tấn thịt gia súc và 44,5 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra còn có các mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát, bột giặt…

Theo Sở Công Thương Tiền Giang, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm của người dân sẽ tăng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Để đáp ứng nhu cầu này, số lượng dự trữ hàng hóa có tăng hơn từ 5 - 14% (tùy mặt hàng) so với năm 2023. Riêng đối với thịt gia súc và thịt gia cầm giảm khoảng 15 - 20% do lượng dự trữ của siêu thị Co.opmart Mỹ Tho giảm.

Hàng hóa bình ổn thấp hơn giá thị trường từ 5% trở lên

Nhằm đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường, cân đối cung cầu và nhân dân hưởng lợi từ chủ trương, chính sách về an sinh xã hội dịp Tết Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị tham gia bình ổn trị trường Tết phải chú trọng các đối tượng chính sách, hộ gia đình nghèo, nhân dân ở khu vực nông thôn.

Ngoài ra, Sở phối hợp với các doanh nghiệp, siêu thị, hợp tác xã, các địa phương tổ chức các Phiên chợ hàng Việt về khu vực nông thôn, khu dân cư, những vùng còn khó khăn và các khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều công nhân để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, khuyến khích các đơn vị bán hàng với giá thấp hơn 5% trở lên so với hàng hóa cùng chủng loại tại thời điểm đăng ký.

Đáng chú ý, mỗi doanh nghiệp, đơn vị tham gia dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường phải có ít nhất 1 điểm bán lẻ hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, niêm yết giá công khai từng mặt hàng thiết yếu diện bình ổn. Đồng thời, phải đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, chất lượng an toàn với giá cả hợp lý cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt trong những thời điểm cận Tết.

Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện việc dự trữ, cung ứng đối với mặt hàng nông sản nhất là mặt hàng thịt gia súc, thịt gia cầm đảm bảo hàng hóa phải qua kiểm dịch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi đưa vào lưu thông trên thị trường.

“Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 180 chợ, 6 siêu thị tổng hợp (kể cả siêu thị Co.opmart Cái Bè dự kiến khai trương trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), 94 cửa hàng tiện ích và các cửa hàng bách hóa phủ khắp địa bàn thành phố, thị xã và nông thôn. Do đó, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ được đảm bảo trên mọi kênh phân phối, bán lẻ trên địa bàn tỉnh” - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang khẳng định.

 
Tác giả: Minh Khuê
Nguồn: https://congthuong.vn/tien-giang-gan-554-ty-dong-du-tru-cung-ung-hang-hoa-tet-nguyen-dan-giap-thin-2024-288473.html
Tin liên quan