Gia đình trẻ tranh cãi: Ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại?

Mỗi khi xuân đến, câu chuyện “Tết về nội hay về ngoại” lại trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trong nhiều gia đình. Với các cặp vợ chồng trẻ, vấn đề này càng trở nên căng thẳng hơn.

Câu chuyện muôn thuở

“Ăn Tết ở nhà nội hay nhà ngoại?”, “quà Tết biếu như thế nào?”... đó là những câu hỏi khó mà hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng ở quận Cầu Giấy đau đáu trong cả tháng qua. Với đặc thù công việc chưa thể xác định sớm ngày nghỉ, lại thêm chuyện chưa có xe riêng khiến gia đình anh Hùng lại càng thêm “đau đầu” khi phân chia thời gian ăn tết nhà nội nhà ngoại sao cho hợp tình hợp lý.

“Là vợ chồng trẻ, lại sống xa nhà nên Tết này tôi muốn về quê nội để đoàn tụ cả gia đình. Tuy nhiên vợ tôi lại đòi về nhà ngoại ăn Tết, chuyện này cả tháng nay chúng tôi luôn bất đồng quan điểm. Có lần lời qua tiếng lại tranh cãi nhau, 2 vợ chồng “chiến tranh lạnh” mất mấy ngày”, anh Hùng cho biết.

Anh Bùi Vân Cầm ở huyện Đông Anh bày tỏ: "Năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là gia đình tôi lại rơi vào tình trạng đau đầu không biết nên chọn bên nội hay bên ngoại để sum họp. Nếu chọn một bên, bên kia sẽ cảm thấy buồn nhưng nếu chia nhau ra thì lại thiếu đi sự đầm ấm của cả gia đình".

Nhiều vợ chồng trẻ lại “đau đầu” phải quyết định ăn Tết ở đâu, như thế nào cho hợp tình hợp lý

Nhiều vợ chồng trẻ lại “đau đầu” phải quyết định ăn Tết ở đâu, như thế nào cho hợp tình hợp lý

Tình trạng này cũng là vấn đề quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam. Với văn hóa trọng truyền thống, ngày Tết không chỉ là thời gian để nghỉ ngơi mà còn là dịp để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ, cùng nhau ôn lại những câu chuyện cũ và chia sẻ dự định trong năm mới. Tuy nhiên, khi cả hai bên gia đình nội và ngoại đều mong muốn sự có mặt của con cháu, việc cân bằng trở thành một bài toán khó giải.

Chị Thu Nga, vợ anh Cầm, chia sẻ: "Tôi cũng rất muốn cả hai bên gia đình đều vui nhưng quỹ thời gian nghỉ Tết lại không nhiều. Năm ngoái, vợ chồng tôi quyết định chia thời gian: mùng 1 ở bên nội, mùng 2 ở bên ngoại. Tuy nhiên, cách này lại khiến chúng tôi cảm thấy áp lực vì phải di chuyển nhiều, không có thời gian để nghỉ ngơi thực sự."

Anh Lê Ngọc Hùng đang sinh sống ở quận Hoàn Kiếm cho biết: “Gần đây, vợ tôi bày tỏ: Giây phút giao thừa là thời điểm thiêng liêng nhất của năm mới nên cô ấy muốn dành thời gian đó bên bố mẹ và anh chị em của mình. Cả năm đã vun vén cho nhà chồng nên dịp Tết muốn về bên ngoại. Tôi thật sự khó xử, vì tôi là con trưởng, lại là con trai duy nhất. Nếu Tết tôi về nhà ngoại thì để ông bà nội thui thủi một mình cũng không đành”.

Trọn vẹn cả đôi đường

Câu chuyện tết về nội hay về ngoại không chỉ là nỗi trăn trở của các gia đình trẻ mà còn đặt ra thách thức cho việc giữ gìn truyền thống trong xã hội hiện đại. Nhìn thấy những gia đình trẻ cãi nhau, chiến tranh lạnh vì chuyện “bên nội bên ngoại”, bà Lê Thị Thu Hà đã lập gia đình được 20 năm cho rằng: “Câu chuyện Tết nội hay Tết ngoại suy cho cùng chỉ là mong muốn được gặp gỡ, sum vầy và cùng nhau trải qua những giây phút thiêng liêng quan trọng. Vì vậy không nên để những cảm xúc tiêu cực xuất hiện trong những ngày vui như vậy.

Gia đình tôi đã từng gặp những khó khăn khi quyết định sẽ ở bên nội hay bên ngoại vào dịp Tết. Tuy nhiên những năm trở lại đây, gia đình tôi quyết định sẽ về thăm ông bà cả 2 bên nội ngoại mỗi khi có đợt nghỉ lễ như 30/4 - 1/5, Tết Dương lịch… để không bị phụ thuộc quá nhiều vào ngày Tết. Các cháu cũng có nhiều thời gian ở bên ông bà hơn chứ không phải chỉ mình dịp Tết nguyên đán”.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là hai vợ chồng thấu hiểu, chia sẻ để đón Tết thật ấm áp bên nhau

Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng nhất vẫn là hai vợ chồng thấu hiểu, chia sẻ để đón Tết thật ấm áp bên nhau (ảnh minh hoạ)

Đồng quan điểm với gia đình bà Thu Hà, nhiều cặp vợ chồng hiện đại đã chọn cách thay đổi tư duy truyền thống. Anh Đào Minh Hiếu, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, cho hay: “Thay vì tranh cãi xem ăn Tết ở đâu, chúng tôi đã quyết định tổ chức một buổi ăn uống đầm ấm trước Tết, mời cả hai bên nội ngoại đến nhà. Cách này không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn mang lại sự gắn kết giữa hai bên gia đình”.

Bà Nguyễn Thị Âu, 70 tuổi ở quận Long Biên cũng đưa ra lời khuyên: “Tôi cũng đang là mẹ chồng và cũng là mẹ vợ, tôi cho rằng, ai cũng có bố mẹ, bố mẹ chồng hay người chồng không nên gia trưởng với suy nghĩ, con gái phải theo nhà chồng. Tôi nghĩ, chia đều mỗi năm về ăn Tết một nhà, như thế vẹn cả đôi đường. Hai bên nội ngoại đều vui, vợ chồng thêm gắn kết, yêu thương vì được thấu hiểu và chia sẻ”.

Tết là dịp để yêu thương và gắn kết nhưng cũng cần sự linh hoạt và cảm thông từ cả hai phía. Bằng cách đặt tình cảm và sự thấu hiểu lên hàng đầu, các gia đình hoàn toàn có thể biến những ngày Tết trở thành khoảng thời gian trọn vẹn và ý nghĩa hơn.

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Đình Trung
Nguồn: http://tuoitrethudo.com.vn/https://tuoitrethudo.vn/gia-dinh-tre-tranh-cai-an-tet-o-nha-noi-hay-nha-ngoai-270300.html
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật